Công ty TNHH TM DV Dầu Khí Đông Dương

Hướng dẫn lựa chọn dầu nhớt phù hợp cho xe

Trên thị trường có quá nhiều nhãn hiệu dầu nhớt khác nhau khiến khách hàng nhiều khi phải đau đầu trong việc chọn lựa loại dầu nhớt phù hợp cho xe. Đối với những người không thạo, một tá ký tự loằng ngoằng cùng với số trên bình nhớt chẳng khác gì chữ tượng hình Ai Cập. Vậy hiểu thế nào cho đúng và dễ nhớ?

Dầu nhớt là gì ?

Dầu nhớt là hỗn hợp gồm dầu gốc và phụ gia dùng để bôi trơn cho các động cơ. Phụ gia được thêm vào với mục đích giúp cho dầu nhớt có được những tính chất phù hợp với chỉ tiêu đề ra mà bản thân dầu gốc không có được. 

Dầu gốc là gì?

Dầu gốc là dầu thu được sau quá trình xử lý vật lý và hóa học. Dầu gốc thông thường gồm có ba loại là: dầu thực vật, dầu gốc khoáng và dầu tổng hợp.

Dầu thực vật chỉ dùng trong một số trường hợp đặc biệt. Nó chủ yếu là để trộn với dầu khoáng hoặc dầu tổng hợp để đạt được một số tính chất nhất định. Tuy nhiên, ngày nay thường chỉ sử dụng dầu khoáng và dầu tổng hợp.

Dầu khoáng có tính ưu việt như giá rẻ, sản phẩm đa dạng và phong phú nên đã chiếm một vị trí quan trọng trong lĩnh vực sản xuất dầu nhớt, nhưng dầu tổng hợp cũng được quan tâm nhiều bởi tính chất ưu việt của nó so với dầu gốc khoáng.

Tóm lại, khi nhắc đến dầu gốc người ta sẽ nghĩ ngay đến dầu gốc khoáng và dầu gốc tổng hợp. Tuy nhiên có một loại nằm ở giữa dầu gốc khoáng và dầu tổng hợp là dầu bán tổng hợp.

Xét theo phẩm cấp của từng loại thì dầu tổng hợp sẽ có phẩm cấp cao nhất, sau đó là dầu bán tổng hợp và cuối cùng là dầu gốc khoáng.

Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ khi trên bình nhớt không có thông tin về thành phần dầu gốc. Khi đó để chắc chắn về thành phần dầu gốc, nên hỏi kỹ người bán hàng bình nhớt đó gốc gì.

PHỤ GIA là gì ?

Phụ gia là những hợp chất hữu cơ, vô cơ, thậm chí là những nguyên tố hóa học được thêm vào chất bôi trơn, nhằm nâng cao hay mang lại những tính chất lý hóa như mong muốn. Thông thường, hàm lượng phụ gia đưa vào là 0,01 – 5%, trong một số trường hợp phụ gia được dùng từ vài phần triệu cho đến vài phần trăm. Do là những hợp chất hoạt động, vì vậy khi tồn tại trong dầu phụ gia có thể tác dụng với nhau và làm mất chức năng của dầu nhớt.

Ngược lại, chúng cũng có thể tác động tương hỗ với nhau tạo ra một tính chất mới có lợi cho dầu nhớt, do đó việc phối trộn các phụ gia có trong dầu nhớt cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để loại trừ những hiệu ứng đối kháng và nâng cao tính tác động tương hỗ. Sự tác động tương hỗ giữa phụ gia có trong dầu nhớt và dầu gốc cũng là một yếu tố cần được quan tâm khi sản xuất dầu nhớt.

CÁC THÔNG SỐ CƠ BẢN TRÊN BÌNH NHỚT

Cấp hiệu năng API 

API - là viết tắt của cụm từ “American Petroleum Institute” (Viện dầu mỏ Mỹ) và là 1 trong 3 hiệp hội dầu khí lớn nhất (đồng thời cùng là 1 trong 3 tiêu chuẩn phổ biến nhất là API, SAE và ACEA).

API cho động cơ diesel ký hiệu là CA, CB, CC, CD. Cấp tiêu chuẩn hiện nay cho động cơ diesel là CK-4, CJ-4, CI-4+, CI-4, CH-4 và FA-4

Trong đó chữ cái cuối dùng để phân biệt các cấp và được xếp theo bảng chữ cái, chữ cái càng đứng sau thì biểu thị cho phẩm cấp càng cao hơn. Ví dụ phẩm cấp API SN thì cao hơn SM ; SM cao hơn SL.

Mặc dù để phân loại chất lượng của dầu nhờn động cơ xăng và diesel, Viện dầu mỏ Mỹ đã dùng rất nhiều các tiêu chuẩn tiêu chí khác nhau để tạo nên các cấp độ dầu nhờn API. Theo sự phát triển của thiết kế động cơ, trung bình cứ sau khoảng 5-8 năm lại có một các cấp API mới ra đời để đáp ứng yêu cầu bôi trơn của thế hệ động cơ tương ứng.  

Tuy nhiên, cấp hiệu năng API không quyết định 100% chất lượng dầu nhớt, chất lượng dầu nhớt được quyết định bởi loại dầu gốc (gốc khoáng, bán tổng hợp hay tổng hợp). Ví dụ dầu gốc khoáng có API là SN thì phẩm chất vẫn kém hơn dầu tổng hợp có API là SG. Vì hàm lượng dầu gốc chiếm từ 95% - 99.9% trong dầu nhớt. Nên, phẩm cấp của dầu gốc quyết định phẩm chất của dầu nhớt (vì dầu gốc chiếm đa số).

Tiêu chuẩn JASO

JASO (chữ viết tắt của Japanese Automotive Standards Organization) đây là tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn ôtô Nhật Bản. Có nhiều tiêu chuẩn của JASO, tuy nhiên đối với loại xe 4 thì XE SỐ là JASO MA, XE GA là JASO MB , còn xe 2 thì là JASO FC.

Vì thế khi thay dầu nếu nhân viên cửa hàng chuẩn bị đổ một bình dầu JASO MA vào chiếc xe ga của bạn thì nên dừng họ lại ngay cho dù họ nói rằng họ có kinh nghiệm và điều này không ảnh hưởng đến xe.

Ngoài ra cũng cần chú ý thêm về 1 số ký hiệu trên bình nhớt, 4T dành cho xe 4 thì, 2T dành cho xe 2 thì, AT dành cho xe tay ga và MT dành cho xe số.

Độ nhớt SAE

SAE (chữ viết tắt của Society of Automotive Engineers) dịch là hiệp hội kỹ sư tự động hóa, để dễ hiểu thì các công ty dầu nhớt gắn liền với tiếng Việt cho dễ nhớ là “Độ nhớt”. Độ nhớt phân ra làm 2 loại: đơn cấp và đa cấp.

Đơn cấp: thường chỉ có ký hiệu SAE 40, SAE 50. Các loại nhớt đơn cấp chỉ bảo đảm là đạt độ nhớt ở nhiệt độ cao như yêu cầu để bôi trơn động cơ. Còn khi nhiệt độ xuống thấp (khi động cơ chưa hoạt động) thì dầu đơn cấp có thể quá đặc gây khó khăn cho việc khởi động và lưu thông dầu nhớt đến các bộ phận động cơ.

Đa cấp: Khắc phục nhược điểm của dầu đơn cấp, các loại dầu nhớt có độ nhớt đa cấp như SAE 10W-30 ; 15W-40 và 20W-50 được phát triển và đưa vào sử dụng ngày càng rộng rãi. Chữ W được cho là viết tắt của "Winter – mùa đông" chỉ khả năng khởi động khi trời lạnh. Nhớt đa cấp vừa bảo đảm độ nhớt phù hợp để bôi trơn tốt động cơ ở nhiệt độ cao vừa bảo đảm nhớt không quá đặc ở nhiệt độ thấp nhằm giúp xe dễ khởi động và vận hành.

Chữ số đứng trước "W" dùng để chỉ khoảng nhiệt độ mà dầu đó giúp động cơ khởi động tốt. Nhiệt độ đó được xác định bằng cách lấy 30 trừ đi con số đó và thêm dấu trừ vào trước kết quả. Ví dụ dầu 20W-50 khởi động tốt ở -10 độC. Dầu 10W-30 khởi động tốt ở -20 độC.

Đứng sau chữ “W” ở loại dầu đa cấp là một con số nào đó ví dụ 40, 50 hoặc 60. Số càng cao thì độ nhớt càng lớn và ngược lại. 

Độ nhớt của xe rất quan trọng, vì thế cần xác định rõ mình đang dùng loại nào, thông số ra sao?

- Nếu là nhớt đa cấp thì nên nhớ thêm rằng chữ số trước "W" còn biểu thị khả năng khới động, chữ số càng nhỏ thì biên độ nhiệt cao giúp xe khởi động dễ dàng và ngược lại.

- Chữ số đằng sau "W" càng lớn thì càng đặc, càng nhỏ thì càng loãng.

Nếu thường xuyên sử dụng xe trong “điều kiện hoạt động không tiêu chuẩn” thì dùng cấp độ nhớt nào?

Trước tiên phải xác định “điều kiện hoạt động không tiêu chuẩn” là điều kiện gì. Khái niệm “điều kiện hoạt động không tiêu chuẩn” là một khái niệm nôm na chỉ việc sử dụng xe không đúng với mục đích của nhà sản xuất.

Ví dụ xe máy tay ga để hoạt động ở tốc độ vừa phải và thấp trong đô thị nhưng vì lý do công việc hoặc vì một lý do nào đó người dùng thường xuyên sử dụng chiếc xe đó để chạy đường xa với tốc độ cao thì có thể gọi đó là “điều kiện hoạt động không tiêu chuẩn”.

Khi đó người dùng cần tham khảo ý kiến của nhân viên hãng để chuyển sang sử dụng loại nhớt có cấp nhớt cao hơn để tránh hiện tượng máy “gào” khi hoạt động ở tốc độ cao trong thời gian dài.

Nếu thường xuyên sử dụng xe trong “điều kiện hoạt động tiêu chuẩn” thì chọn loại nhớt nào cho đúng?

- Xác định loại dầu gốc là gì. Dầu tổng hợp có phẩm cấp và chất lượng cao nhất đương nhiên giá thành cũng không rẻ, sau đó là dầu bán tổng hợp và dầu khoáng.

- Cấp hiệu năng API: cao nhất là SN sau đó SM... đối với xe máy xăng.

- Xác định chứng chỉ JASO của loại nhớt, MA cho xe số và MB cho xe tay ga.

- Đó là loại nhớt đơn cấp hay đa cấp? Với thời tiết Việt Nam nhiệt độ ít khi xuống dưới 0 độ thì tiêu chí này không cần quá quan trọng.

- Lựa chọn độ nhớt phù hợp cho xe. Thông tin về độ nhớt phù hợp cho xe có thể tham khảo trong hướng dẫn sử dụng đi kèm xe khi mua hoặc hỏi trực tiếp nhân viên của hãng.

Ví dụ, Yamaha Nouvo LX 135cc được nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng nhớt 10W-40. Vậy chọn loại dầu tổng hợp, API SN, JASO MB, SAE 10W-40 là tốt nhất cho xe khi hoạt động trong thành phố.

 
 
 
 

 

Bài đăng cùng chuyên mục

Khách hàng - Đối tác